Tác dụng của tiêm phòng vacxin bại liệt IPV

Thứ năm - 22/10/2020 22:49
Tác dụng của tiêm phòng vacxin bại liệt IPV
Thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng của huyện Điện Biên Đông, ngày 08/10/2020 các cháu của trường mầm non Suối Lư có độ tuổi sinh từ 01/03/2016 đến 29/02/2028  đã được tiêm chủng vắc xin bại liệt (IPV)
10b1
Các cháu được kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm vacxin

Các loại vắc xin phòng bệnh bại liệt
Vắc xin bại liệt là thành quả của toàn nhân loại, đã được đưa vào sử dụng trên thế giới lần đầu tiên vào năm 1952. 10 năm sau đó, vắc xin bại liệt đường uống Sabin (OPV) được sản xuất thành công tại Việt Nam. Sự có mặt của vắc xin đã góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh bại liệt lên tới 99,9% trên cả 3 chủng virus.
Sau khi vắc xin bất hoạt và vắc xin sống giảm độc lực được đưa vào sử dụng hiệu quả, bệnh bại liệt đã được kiểm soát, tỷ lệ mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Số lượng các trường hợp bại liệt trên toàn thế giới đã giảm hơn 99%: từ 350.000 trường hợp vào năm 1988 xuống còn 33 trường hợp vào năm 2018. 
Tuy vậy, để tích cực phòng bệnh, ngăn chặn nguy cơ bệnh bại liệt quay trở lại bất cứ lúc nào, ngoài việc triển khai công tác tiêm phòng bại liệt cho trẻ dưới 1 tuổi bằng vắc xin đơn, thì các vắc xin phối hợp cũng được nhà sản xuất tích hợp thành phần ngừa bại liệt giúp trẻ phòng bại liệt hiệu quả song song với việc tạo miễn dịch đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.
10b2
Trẻ được tiêm vacxin bại liệt (IPV)

Vắc xin bại liệt đường tiêm IPV
Vắc xin bất hoạt dạng tiêm (IPV) chứa virus bại liệt chết (sau khi xử lý) có tác dụng kích thích cơ thể tạo miễn dịch phòng bệnh. Tiêm vắc xin IPV đã được đưa vào trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho trẻ 5 tháng tuổi trên toàn quốc từ năm 2018.
Vì sao cần tiêm phòng vắc xin bại liệt?
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Bệnh bại liệt chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi, cứ 1 trong 200 ca nhiễm bệnh sẽ dẫn đến tê liệt không hồi phục. Trong số những người bị tê liệt, 5% – 10% ca tử vong do cơ hô hấp ngừng hoạt động. Ở Mỹ, vào cuối những năm 1940, dịch bệnh bại liệt đã làm tê liệt trung bình hơn 35.000 người mỗi năm.
Tại Việt Nam, những năm trước khi có vắc xin, bại liệt trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và để lại di chứng nặng nề ở trẻ dưới 5 tuổi, gây ra các vụ dịch lớn vào năm 1957-1959 với tỷ lệ mắc bại liệt năm 1959 là 126,4/100.000 dân.
Nhờ triển khai uống vắc xin phòng bệnh bại liệt và nhiều năm duy trì tỷ lệ uống vắc xin ở mức cao trên 90%, bệnh bại liệt đã dần được khống chế, ca bệnh cuối cùng được ghi nhận tại Việt Nam là từ năm 1997. Việt Nam đã chính thức được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000. 
Trên thế giới, việc thanh toán bệnh bại liệt cũng đã giúp chính phủ của các quốc gia tiết kiệm được 1,5 tỷ USD mỗi năm cho chi phí điều trị và phục hồi chức năng các di chứng do bệnh bại liệt gây ra (theo WHO).
Vắc xin bại liệt nên tiêm hay uống?
Chương trình TCMR ở Việt Nam được Nhà nước tài trợ (miễn phí) đang triển khai 2 loại vắc xin bại liệt, bao gồm vắc xin Sabin qua đường uống có tên chung là vắc xin bại liệt uống OPV và vắc xin dạng tiêm có tên chung là vắc xin bại liệt bất hoạt IPV. Bên cạnh đó, vắc xin bại liệt cũng có trong thành phần của những mũi tiêm phối hợp (vắc xin 6in1 Infanrix Hexa, 6in1 Hexaxim, vắc xin 5in1 Pentaxim, vắc xin 4in1 Tetraxim) ở các điểm tiêm phòng dịch vụ.
 
Việc chủng ngừa bại liệt đủ liều theo khuyến cáo bằng vắc xin qua đường uống hay đường tiêm đều mang đến hiệu quả phòng bệnh như nhau. Tuy vậy, nếu trẻ tiêm vắc xin có thành phần bại liệt trong các mũi vắc xin phối hợp tại các điểm tiêm dịch vụ, trẻ vừa phòng được bại liệt lại vừa có kháng thể bảo vệ trước nhiều căn bệnh nguy hiểm khác trong cùng 1 mũi tiêm chủng.
Việc chọn tiêm phòng vắc xin bại liệt tiêm hay uống, vắc xin TCMR hay dịch vụ là tùy thuộc vào sự lựa chọn và điều kiện của từng gia đình. Điều quan trọng nhất là cần phải tiêm/uống đủ mũi và đúng lịch để nâng cao tối đa hiệu quả phòng bệnh của vắc xin.
 
Những lưu ý khi tiêm phòng vắc xin bại liệt
Theo Quyết định 2470/QĐ-BYT của Bộ Y tế, không tiêm vắc xin bại liệt cho người có bất kỳ dị ứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, hoặc có thể tạm hoãn tiêm chủng nếu người được tiêm vắc xin đang cảm thấy không khỏe.
Các trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin bại liệt bao gồm:
  • Có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin lần trước (có cùng thành phần): sốt cao trên 39°C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở.
  • Suy giảm miễn dịch (bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh, trẻ nhiễm HIV giai đoạn lâm sàng IV hoặc có biểu hiện suy giảm miễn dịch nặng) chống chỉ định tiêm chủng các vắc xin sống giảm độc lực.
  • Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.
Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng:
  • Có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan, hôn mê…). 
  • Trẻ mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng. 
  • Trẻ sốt ≥ 38°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5°C (đo nhiệt độ tại nách).
  • Trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ kháng huyết thanh viêm gan B) nên tạm hoãn tiêm chủng vắc xin sống giảm độc lực.
  • Trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) liều cao (tương đương prednison ≥2mg/kg/ngày), hóa trị, xạ trị trong vòng 14 ngày cũng nên tạm hoãn tiêm chủng vắc xin sống giảm độc lực.
  • Trẻ mắc các bệnh tim bẩm sinh hoặc mạn tính kèm theo tăng áp lực động mạch phổi (≥40mmHg).
  • Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.
Không nên trì hoãn tiêm chủng nếu chỉ mắc các bệnh đường hô hấp hoặc cấp tính nhẹ mà không sốt, vì chỉ khi tiêm phòng đúng liều đúng lịch, vắc xin mới đạt được hiệu phòng bệnh tốt nhất. 
Theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm phòng vắc xin bại liệt
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: Các vắc xin rất an toàn. Rất hiếm khi xảy ra các phản ứng nghiêm trọng tới sức khoẻ. Đa số các phản ứng thường gặp như đau, xuất hiện quầng đỏ, sưng tại nơi tiêm, sốt nhẹ sẽ tự khỏi sau vài ngày. 
Tuy nhiên, để đề phòng những phản ứng không mong muốn, Quyết định 2535/QĐ- BYT của Bộ Y tế đã hướng dẫn chi tiết cách theo dõi và chăm sóc sau tiêm chủng.
Người được tiêm chủng phải được theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng. Trường hợp người được tiêm chủng là trẻ em thì ba mẹ, người thân nên theo dõi và chăm sóc trẻ, lưu ý các dấu hiệu cần theo dõi sau tiêm chủng bao gồm:
  • Toàn trạng;
  • Tinh thần, tình trạng ăn, ngủ;
  • Dấu hiệu về nhịp thở;
  • Nhiệt độ, phát ban;
  • Các biểu hiện tại chỗ tiêm (sưng, đỏ…)
Trẻ em sau khi tiêm chủng cần cho trẻ bú mẹ hoặc uống nước nhiều hơn. Bế, quan sát trẻ thường xuyên và chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm.
Người được tiêm chủng cần được đưa ngay tới cơ sở y tế để theo dõi, điều trị nếu có dấu hiệu tai biến nặng sau tiêm chủng có thể đe dọa đến tính mạng của người được tiêm chủng bao gồm các triệu chứng như khó thở, sốc phản vệ hay sốc dạng phản vệ, hội chứng sốc nhiễm độc, sốt cao co giật, trẻ khóc kéo dài, tím tái, ngừng thở…
 
 

Nguồn tin: internet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

LIÊN KẾT WEBSITE

 

 

 

 

HỖ TRỢ KỸ THUẬT
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập1
  • Hôm nay444
  • Tháng hiện tại5,430
  • Tổng lượt truy cập218,430
headerleft
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Chế độ giao diện đang hiển thị: Tự độngMáy Tính