Giáo dục lao động là một bộ phận quan trọng của giáo dục phát triển toàn diện, nhằm hình thành ở trẻ những phẩm chất của người lao động mới : yêu lao động, quý trọng người lao động, giúp trẻ nắm được các kỹ năng lao động đơn giản phục vụ cho sinh hoạt và chuẩn bị sau này cho trẻ tham gia vào đời sống lao động. Giáo dục lao động có ý nghĩa quan trọng đối với các mặt giáo dục khác và có quan hệ mật thiết với chúng, giúp cho quá trình giáo dục nhân cách phát triển toàn diện.
Giáo dục lao động đối với trẻ mầm non không chỉ là nhiệm vụ của các cô giáo trong trường mà đồng thời phải từ chính gia đình trẻ. Trong thời đại hiện nay, các gia đình cũng bằng cách này hay cách khác để giáo dục trẻ yêu lao động, nhưng con trẻ vẫn ngại làm việc hoặc chỉ thực hiện các nhiệm vụ một cách miễn cưỡng. Để con hứng thú với lao động thì đầu tiên bố mẹ hãy là tấm gương chuẩn mực và là người truyền tình yêu lao động cho con trẻ. Bên cạnh đó thì việc trẻ ở trường các cô giáo phải tạo cơ hội cho trẻ làm quen với lao động từ những việc đơn giản như, lau đồ chơi, lau lá cây, lau cửa sổ, nhổ cỏ cho hoa, từ những hoạt động cá nhân hay tính lao động tập thể để trẻ có thói quen biết lao động.
Song việc tổ chức cho trẻ trực tiếp tham gia các hình thức lao động phù hợp với sức khoẻ và tâm lí lứa tuổi có ý nghĩa giáo dục thực sự, trẻ mới cảm thấy lao động là khó khăn và sự cần thiết phải lao động, phải có sự nỗ lực hoàn thành công việc được giao. Việc dạy cho trẻ biết lao động hợp lí là cơ sở của việc tổ chức lao động. Điều đó thể hiện ở việc giáo dục cho trẻ những kĩ năng và kỹ xảo lao động đơn giản (kĩ năng, kĩ xảo lao động trong sinh hoạt, trong thiên nhiên, lao động thủ công …). Tuỳ theo sự phát triển và trưởng thành của trẻ mà nâng dần yêu cầu đối với chất lượng, trình độ tổ chức, khối lượng lao động và nhịp độ công việc.
Trong quá trình dạy các kĩ năng lao động, giáo viên hình thành ở trẻ nguyện vọng tự thực hiện các thao tác vừa sức trẻ, chỉ cần đến sự giúp đỡ khi thật cần thiết. Cần hình thành cho trẻ niềm tin vào sức mình, niềm vui đối với kết quả lao động, động viên mọi ý định thể hiện tính độc lập của trẻ. Lao động phải mang đến niềm vui cho trẻ. Từ đó hình thành lòng yêu lao động. Trường mầm non còn có nhiệm vụ hình thành cho trẻ kĩ năng lao động trong tập thể. Việc lao động trong tập thể (nhóm) hình thành ở trẻ khái niệm về tinh thần trách nhiệm chung đối với công việc được giao, kĩ năng lao động phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của hoạt động lao động với trẻ mầm non, trường mầm non Suối Lư đã thực hiện khá nghiêm túc hoạt động này. Vào chiều thứ 5 hàng tuần, các lớp đều có lịch lao động. Cả cô và trẻ cùng tham gia lao động, dọn dẹp vệ sinh và sắp xếp lớp học, tùy theo lứa tuổi mà giáo viên lên kế hoạch cho phù hợp với nhóm lớp mình. Được tham gia hoạt động lao động trẻ rất hứng thú và có ý thức rất cao để hoàn thành công việc được giao.
Trong thời đại hiên nay, việc dạy trẻ biết lao động và quý trọng thành quả lao động là việc rất quan trọng. Giáo dục trẻ giá trị của lao động giúp trẻ có tính tự lập, không lười biếng, không ỷ lại vào người khác và có thể thích ứng với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Dạy cho trẻ biết lao động, biết yêu thương, trẻ sẽ học được cách làm chủ cuộc đời với đôi bàn tay của chính mình, trẻ sẽ nhận ra rằng nỗ lực của chính là sự cống hiến cho những điều còn lớn lao hơn thế trong tương lai.
Tác giả bài viết: Lò Thị Hà
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn