Vui chơi là hoạt động không thể thiếu được của trẻ ở mọi lứa tuổi đặc biệt ở lứa tuổi mầm non. Qua vui chơi không những hình thành cho trẻ óc tưởng tượng sáng tạo, phát triển ngôn ngữ và tăng cường khả năng nhận thức mà còn giúp trẻ thể hiện năng lực, kỹ năng, tình cảm, nguyện vọng và mối liên hệ với những người xung quanh. Vì chỉ khi chơi trẻ mới tích cực tìm hiểu sự vật để thoả mãn nhu cầu nhận thức. Chơi là một cách để trẻ học, là con đường để giúp trẻ lớn lên và phát triển nhân cách toàn diện.
Ở trường mầm non hoạt động vui thường xuyên được diễn ra xen lẫn trong các hoạt động học, hoạt động ngoài trời và có thể diễn ra mọi lúc mọi nơi..., nhưng đối với trẻ ở lứa tuổi này rất thích tính tự lập, cũng như tự lựa chọn nội dung chơi mà trẻ thích. Trò chơi mà trẻ thích nhất là các trò chơi vận động, vận động giúp trẻ hiểu biết về không gian và hình thành tính tự tin, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần tập thể. Là loại trò chơi sử dụng cơ bắp và toàn bộ cơ thể, trò chơi vân động phát triển cả vận động thô và tinh, cũng như kiểm soát các cơ và các kỹ năng phối hợp. Trò chơi vận động thường phù hợp với không gian bên ngoài hơn trong phòng nhóm.

Vai trò của giáo viên: giới thiệu và giải thích một cách cụ thể và cẩn thận trò chơi cho trẻ - GV chọn những trò chơi có nội dung phù hợp với chủ đề. Trước khi cho trẻ chơi, giáo viên phải tích luỹ kiến thức kinh nghiệm, hình thành biểu tượng và tạo ấn tượng cho trẻ bằng cách trò chuyện với trẻ, kể chuyện cho trẻ nghe, xem băng hình, tranh ảnh, đi tham quan... Sau đó giáo viên tiến hành tổ chức, hướng dẫn cho trẻ chơi.

Đối với các bậc phụ huynh thì việc học là quan trọng nhất đối với trẻ, nhưng hoạt động mà trẻ quan tâm đến nhất là chơi, đó phải chăng là điều mâu thuẩn nhưng thực ra chính việc trẻ chơi đùa một cách thích chí là cơ sở để trẻ học hỏi một cách tích cực. Một đứa trẻ phát huy sáng kiến trong khi chơi, biết chủ động tạo ra những tình huống, vận dụng một cách linh hoạt các công cụ khi chơi, tưởng tượng ra nhiều nhân vật... để trò chơi tăng thêm phần hấp dẫn đó là một thành công trong việc học miễn là cháu được giáo dục trong một môi trường tích cực có nhiều hoạt động thúc đẩy tích cực, chủ động và sáng tạo. Vì vậy trong môi trường gia đình việc chơi đùa với con là một trong những điều kiện cần thiết giúp cho trẻ phát triển thông qua các đồ chơi và trò chơi trẻ sẽ nhận thức được sự tương quan giữa mình và môi trường bên ngoài cũng như phát triển được những kỹ năng mà sau này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc học của các em. Các bậc cha mẹ cho rằng việc chơi đùa chủ yếu diễn ra ở trường mầm non hay ở công viên, khu vui chơi... còn gia đình thì chật chội và không có thời gian để chơi cùng trẻ, nhiều khi mua rất nhiều đồ chơi mà trẻ vẫn không thích chơi. Nhưng việc tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ ở gia đình cũng là một việc làm hết sức cần thiết đối với trẻ.
Trẻ được hoạt động vui chơi dưới hình thức trẻ làm trung tâm đã tạo điều kiện cho trẻ hoạt động tích cực, mạnh dạn, hồn nhiên, tự tin và hứng thú, dám thể hiện “cái tôi” của mình, bước đầu đặt nền tảng cho việc đào tạo nên những con người dám nghĩ, dám làm trong tương lai.

Như vậy, hoạt động vui chơi được nhìn nhận với phương diện như là phương tiện để giáo dục nhân cách cho trẻ mầm non. Vui chơi của trẻ là một hoạt động phản ánh sáng tạo độc đáo, thực hiện tác động qua lại giữa trẻ với trẻ, trẻ với môi trường xung quanh; trong vui chơi trẻ nhận thức được thế giới xung quanh, khi chơi các trò chơi trẻ lĩnh hội kinh nghiệm xã hội của người lớn một cách tự nhiên, lĩnh hội những kiến thức, những kỹ năng, kỹ xảo, những phương thức hành động, những chuẩn mực đạo đức, những nguyên tắc sống... Trong vui chơi trẻ hoạt động tự lực, tự nguyện và tự tin; xã hội trẻ em được hình thành trong quá trình vui chơi sẽ phát triển việc tự tổ chức, hình thành và biểu hiện những phẩm chất mang tính xã hội: khả năng hoà nhập vào nhóm chơi, khả năng hoạt động đóng vai, khả năng phục tùng những yêu cầu của xã hội trẻ em và bộc lộ những khả năng riêng của trẻ.